Quy định tạm thời về tổ chức các kỳ thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần tại Trường

0
146
QUY ĐỊNH TẠM THỜI
Tổ chức thi các kỳ thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần
(Ban hành kèm theo Quyết định số 300/QĐ-CĐCĐ ngày 14 tháng 8 năm 2020
của Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Cộng đồng Sóc Trăng)
____________________________
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Quy định này được áp dụng đối với: Học sinh, sinh viên, học viên (HS, SV, HV) bậc cao đẳng, trung cấp hệ chính quy và hệ vừa làm vừa học.
Điều 2. Mục đích – yêu cầu
1. Đảm bảo cho công tác tổ chức thi được thực hiện nghiêm túc theo đúng quy định của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GD&ĐT); tạo sự thống nhất, nhanh chóng, chính xác của các cá nhân, đơn vị có liên quan.
2. Đảm bảo tính độc lập giữa quá trình dạy, học và thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần.
3. Đảm bảo sự công bằng, chặt chẽ và khách quan trong công tác đánh giá kết quả học tập của HS, SV, HV, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo          của Trường.
  1. Làm căn cứ để Hiệu trưởng phân công, bố trí, sử dụng nhân lực hợp lý, tăng cường hiệu lực công tác quản lý, thanh tra, giám sát, khen thưởng, xử lý vi phạm đối với công tác tổ chức thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần.
Điều 3. Các kỳ thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần
  1. Mỗi học kỳ, Nhà trường tổ chức một kỳ thi chính (thi lần 1) và một kỳ thi phụ (thi lần 2) để thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần. Kỳ thi phụ dành cho những HS, SV, HV không tham dự kỳ thi chính hoặc có điểm học phần đạt điểm F (đối với sinh viên), không đạt yêu cầu (đối với học viên).
  2. Thời gian dành cho ôn thi mỗi môn học, mô-đun/học phần tỷ lệ thuận với số giờ của môn học, mô-đun/học phần đó và bảo đảm ít nhất là 1/2 ngày ôn thi cho 15 giờ học lý thuyết trên lớp, 30 giờ học thực hành, thực tập.
  3. Hiệu trưởng quy định cụ thể thời gian ôn thi và thời gian thi cho các kỳ thi.
Điều 4. Hình thức thi
1. Hình thức thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần có thể là thi viết (trắc nghiệm hoặc tự luận), vấn đáp, viết tiểu luận, bài tập lớn, thực hành hoặc kết hợp giữa các hình thức trên. Hình thức thi được Hiệu trưởng phê duyệt trong đề cương chi tiết của học phần và công bố công khai cho HS, SV, HV khi bắt đầu học tập hoặc trong sổ tay sinh viên.
2. Hình thức thi của một học phần được thống nhất trong tất cả các kỳ thi chính và kỳ thi phụ.
  1. Điều chỉnh hình thức thi: Khi cần thay đổi hình thức thi, các Khoa có thể đề nghị bằng văn bản gửi Phòng Thanh tra – Khảo thí – Kiểm định chất lượng (TT-KT-KĐCL) để tổng hợp báo cáo Hiệu trưởng xem xét phê duyệt.
  2. Đối với loại đề thi có 2 hình thức thi (Trắc nghiệm, Tự luận)
HS, SV, HV làm bài trắc nghiệm trên phiếu trả lời trắc nghiệm hết thời gian quy định, cán bộ coi thi thu phiếu trả lời trắc nghiệm và cho HS, SV, HV tiếp tục làm bài trên giấy làm bài tự luận.
 Chương II
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA HỘI ĐỒNG THI
KẾT THÚC MÔN HỌC, MÔ-ĐUN/HỌC PHẦN
Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần
  1. Hội đồng thi do Hiệu trưởng ra quyết định thành lập, bao gồm:
    a) Chủ tịch Hội đồng là Hiệu trưởng hoặc Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo;
    b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trưởng phòng TT-KT-KĐCL;
    c) Ủy viên thường trực là Phó Trưởng phòng TT-KT-KĐCL;
    d) Các ủy viên: là Trưởng các phòng có liên quan và Khoa đào tạo.
  2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần
    a) Hội đồng thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần đặt dưới sự chỉ đạo thống nhất của Hiệu trưởng Nhà trường;
    b) Hội đồng thi kết thúc môn học, mô-đun/học phần có nhiệm vụ và quyền hạn tổ chức thực hiện các khâu ra đề thi; tổ chức kỳ thi; chấm thi và phúc khảo; báo cáo kịp thời kết quả công tác tổ chức thi cho Hiệu trưởng.
  3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng thi
    a) Phổ biến, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quy chế thi;
    b) Chủ tịch Hội đồng thi quyết định và chịu trách nhiệm toàn bộ các hoạt động liên quan đến kỳ thi;
    c) Phó Chủ tịch Hội đồng thi báo cáo kịp thời với Chủ tịch Hội đồng về công tác thi;
    d) Chủ tịch Hội đồng thi ra quyết định thành lập các ban giúp việc cho Hội đồng thi, bao gồm: Ban thư ký, Ban đề thi, Ban coi thi, Ban chấm thi; Ban chấm chuyên đề, khóa luận tốt nghiệp;
    đ) Phó Chủ tịch Hội đồng thi thực hiện các nhiệm vụ được Chủ tịch Hội đồng thi phân công và thay mặt Chủ tịch Hội đồng thi khi được ủy quyền.
Điều 6. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thư ký Hội đồng thi
  1. Thành phần Ban thư ký Hội đồng thi gồm có:
Trưởng ban thư ký là Trưởng hoặc Phó Trưởng phòng TT-KT-KĐCL và các thư ký là các viên chức Phòng TT-KT-KĐCL tham gia tổ chức thi.
  1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban thư ký Hội đồng thi
    a) Thực hiện các nhiệm vụ do Chủ tịch Hội đồng thi phân công;
    b) Nhận bài thi của cán bộ coi thi, bảo quản, kiểm kê bài thi;
    c) Thực hiện việc dồn túi, đánh số phách bài thi;
    d) Bàn giao bài thi của thí sinh cho Ban chấm thi và thực hiện các nghiệp vụ;
    đ) Quản lý các giấy tờ liên quan tới bài thi; lập biên bản xử lý điểm bài thi.
  1. Nhiệm vụ và quyền hạn của Trưởng ban thư ký Hội đồng thi
    a) Lựa chọn những cán bộ có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao, trung thực, tác phong làm việc cẩn thận, có ý thức bảo mật tham gia vào Ban thư ký;
    b) Chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Hội đồng thi về việc điều hành công tác của ban.

Xem chi tiết tại file đính kèm.