Việt Nam là một quốc gia có sức tiêu dùng lớn, do đó việc đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm đúng mức, là một trong những chính sách quan trọng nhằm hiện thực hoá mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”. Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng đã thực sự trở thành một lĩnh vực pháp luật độc lập, có vị trí đáng kể trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Năm 1999, Quốc hội đã ban hành văn bản pháp lý đầu tiên cho hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng là Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Năm 2010, Quốc hội tiếp tục ban hành Luật số 59/2010/QH12 về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, là sự kế thừa và phát huy những ưu điểm, khắc phục những điểm còn hạn chế của Pháp lệnh bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 1999.
Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2011 quy định rất rõ về quyền và nghĩa vụ của người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đối với người tiêu dùng; trách nhiệm của tổ chức xã hội trong việc tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được tuyên truyền rộng rãi nhưng nhiều người tiêu dùng chưa nhận biết đầy đủ được quyền lợi của mình khi đi mua sắm và quyền lợi chính đáng đó được pháp luật bảo vệ. Vẫn còn nhiều người chưa biết đến 08 quyền của người tiêu dùng (trong 08 quyền đó, có quyền được khiếu nại, tố cáo, khởi kiện hoặc đề nghị tổ chức xã hội khởi kiện để bảo vệ quyền lợi của mình theo quy định pháp luật; quyền được tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn kiến thức về tiêu dùng hàng hóa, dịch vụ). Đặc biệt, vẫn còn nhiều người tiêu dùng chưa biết phải phản ánh, khiếu nại qua các kênh giải quyết quyền lợi của mình ở đâu ngoài biện pháp phản ánh đến nơi bán sản phẩm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng hiện nay chưa quan tâm đến việc lấy hóa đơn, chứng từ, kiểm tra, xem xét hàng hóa trước khi nhận hàng. Bởi vậy khi sự cố xảy ra không có cơ sở để giải quyết, nhiều người tiêu dùng bị xâm phạm quyền lợi nhưng không biết phải làm gì nên chỉ im lặng chấp nhận.
Trong bối cảnh các giao dịch thương mại điện tử ngày càng gia tăng, xu hướng giao dịch thương mại điện tử trở nên phổ biến, Bộ Công Thương đã chọn chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử” nhằm triển khai sự kiện Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam trong năm 2020. Đặc biệt, Bộ Công Thương sẽ lồng ghép sự kiện này với các hoạt động triển khai Chỉ thị số 30/CT-TW ngày 22 tháng 01 năm 2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và trách nhiệm quản lý của Nhà nước đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Mục đích của các hoạt động trong phong trào lần này nhằm kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và người tiêu dùng vào các hoạt động. Nhằm nâng cao tầm quan trọng của ngày Quyền của người tiêu dùng, trở thành điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế xã hội, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh, tiêu dùng lành mạnh cho đất nước.
Theo đó, với chủ đề “Bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử”, các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2020 nhằm tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi, khuyến khích, động viên sự tham gia tích cực của các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Qua đó, góp phần xây dựng môi trường tiêu dùng lành mạnh, giữ ổn định và tạo động lực phát triển KT-XH.
Các hoạt động hửng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam 2020 trên địa bàn Tỉnh Sóc Trăng tập trung vào các hoạt động như: tổ chức treo băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền trên các tuyến đường chính TP Sóc Trăng, chợ Trung tâm thành phố Sóc Trăng và các huyện, thị xã… Triển khai các hoạt động tuyên truyền tư vấn, hỗ trợ tuyên truyền pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại các cơ quan, đơn vị bằng các hình thức phù hợp. Ngoài ra, còn tổ chức tập huấn về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các văn bản có liên quan… Các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam được tổ chức trong tháng 3 (tháng cao điểm) và kéo dài đến hết tháng 5/2020.
Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là trách nhiệm của toàn cộng đồng. Trong thời gian qua, công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được Đảng, Nhà nước và các đoàn thể nhân dân quan tâm hơn, bước đầu đạt được một số kết quả khả quan, song vẫn còn một số hạn chế; quyền lợi cơ bản của người tiêu dùng vẫn bị xâm phạm nghiêm trọng, đe dọa đến sức khỏe và an toàn tính mạng.
Trong tình hình hiện nay, việc vi phạm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng ngày càng phức tạp và gia tăng ở hầu hết các lĩnh vực. Vì vậy, các cấp, các ngành cần tích cực tuyên truyền phổ biến rộng rãi hơn nữa về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tăng cường thông tin cho người tiêu dùng nhận biết về hàng giả, hàng kém chất lượng một cách thường xuyên hơn. Đồng thời giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh, khuyến khích người tiêu dùng lên án, “tẩy chay” hàng hoá của doanh nghiệp vi phạm quyền lợi người tiêu dùng.
Để bảo vệ quyền lợi cho chính mình và cho toàn xã hội thì trước hết người mua hàng phải là người tiêu dùng thông thái (khi mua một loại hàng hóa, người tiêu dùng cần kiểm tra mặt hàng trước khi nhận, lựa chọn tiêu dùng hàng hóa và dịch vụ phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng để không gây nguy hại đến tính mạng và sức khỏe của mình và của người khác). Đồng thời, người tiêu dùng phải tích cực nghiên cứu tìm hiểu pháp luật để biết được quyền lợi trong tiêu dùng của mình để khi có sự cố xảy ra thì biết cách tự giải quyết hoặc tìm đến cơ quan nào để giải quyết.
Bảo vệ người tiêu dùng trong quá trình phát triển và hội nhập kinh tế là trách nhiệm của toàn xã hội. Việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không chỉ mang lại lợi ích tiêu dùng mà còn thúc đẩy xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh của doanh nghiệp, cá nhân, tạo động lực quan trọng cho nền kinh tế phát triển ổn định.
M.L