HỆ SINH THÁI KHỞI NGHIỆP

0
610

Nguyễn Thị Thoa – Khoa Kinh tế

Hiện nay phong trào khởi nghiệp đang phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam. Nhà nước đang xây dựng các Chương trình Đề án nhằm tạo ra môi trường khởi nghiệp năng động, mục tiêu đạt được 5.000 doanh nghiệp Khoa học và Công nghệ năm 2020 của quốc gia [1]. Trên các diễn đàn xã hội hoạt động khởi nghiệp đang được giới trẻ rất quan tâm (các cuộc thi ý tưởng khởi nghiệp đã được phát động rất nhiều trên truyền thông). Đồng thời, trong các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, môn học Khởi sự Doanh nghiệp được giảng dạy cho người học những kiến thức phổ thông nhất về kinh doanh nhằm tạo động lực và niềm đam mê khởi nghiệp [2]. Vậy, khởi nghiệp là gì? Tại sao đất nước cần những nhà khởi nghiệp? Để khởi nghiệp phát triển cần những điều kiện nào?

Khởi nghiệp là giai đoạn sớm nhất trong vòng đời của mỗi doanh nghiệp khi người sáng lập ra nó hiện thực hóa ý tưởng kinh doanh của mình [3]. Thật vậy, khởi nghiệp chính là bắt đầu sự nghiệp kinh doanh bằng việc biến những ý tưởng thành hoạt động kinh doanh.

Trên thế giới những quốc gia nào giỏi kinh doanh sẽ giàu hơn nước láng giềng, nước Mỹ giỏi kinh doanh hơn Mêxicô nên trở nên giàu hơn. Nước Đức giàu hơn Tây Ban Nha do giỏi làm kinh doanh hơn. Tương tự người Trung Quốc giàu hơn các nước lân cận do giỏi buôn bán hơn [4].  Ở Việt Nam cũng có quan niệm “Phi thương bất phú” với ý nghĩa khẳng định thương mại sẽ làm giàu. Hiện tại, chính phủ đã khẳng định bất cứ nền kinh tế nào cũng luôn cần những người giải quyết những vấn đề ngổn ngang, luôn cần những dịch vụ mới. Chính phủ đã yêu cầu hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp với việc hoàn thiện cơ sở pháp lý, năm 2016 được xem là năm bản lề, bắt đầu công cuộc khởi nghiệp [5].

Để hoạt động khởi nghiệp được hình thành cần phải có những ý tưởng kinh doanh. Các ý tưởng này phải thật sự sáng tạo hoặc khác biệt, đổi mới. Hoạt động  khởi nghiệp là theo đuổi những quyết định mạo hiểm trong tương lai, đây là quá trình gần như không thể thiếu trong kinh doanh, nhưng do tính chất phức tạp nên không phải doanh nghiệp nào khởi nghiệp cũng thành công. Chính vì vậy, để những ý tưởng kinh doanh trở thành những hoạt động khởi nghiệp rất cần một môi trường để ươm mầm “hạt giống” ý tưởng nảy mầm tốt nhất hay còn gọi là hệ sinh thái khởi nghiệp. Hệ sinh thái khởi nghiệp chính là môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp được sinh ra và phát triển. Cấu thành hệ sinh thái khởi nghiệp chính là sự liên kết của các thành phần: các ý tưởng kinh doanh, Nhà nước, nhà đầu tư, và nhà tư vấn.

Các ý tưởng kinh doanh chính là các suy nghĩ, tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng về các sản phẩm/dịch vụ cụ thể có thể cung cấp ra thị trường được hình thành bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp [6]. Họ xây dựng doanh nghiệp từ chính những ý tưởng kinh doanh, ý tưởng sáng tạo của mình. Các ý tưởng sẽ không có giá trị gì nếu không được hiện thực hóa thành hoạt động kinh doanh. Khi được đầu tư, các doanh nghiệp sẽ biến những ý tưởng của mình thành hiện thực. Tuy nhiên, không phải tất cả các doanh nghiệp khởi nghiệp đều thành công, thậm chí tỷ lệ thành công rất thấp, nhưng một khi đã thành công họ sẽ tạo ra giá trị gia tăng vượt bậc cho nền kinh tế.

Trong hệ sinh thái này Nhà nước đóng vai trò chủ chốt nhằm xây dựng các Chương trình Đề án định hướng hoạt động khởi nghiệp. Nhà nước ban hành các cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để bảo hộ tài sản trí tuệ của mọi tổ chức, cá nhân, quy định phương thức chuyển giao công nghệ, chuyển giao quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Đồng thời, Nhà nước cùng ban hành các chính sách hỗ trợ về thuế cho các tổ chức doanh nghiệp mới thành lập. Trong giai đoạn đầu để kêu gọi nhà đầu tư cung cấp vốn cho các ý tưởng kinh doanh, Nhà nước cần đứng ra làm gương, hoặc bảo lãnh cho các nhà đầu tư, bảo vệ quyền lợi nhà đầu tư, khuyến khích đầu tư cho nghiên cứu và ứng dụng công nghệ. Nhà nước cho phép thành lập và tạo cơ chế vận hành các loại hình quỹ đầu tư mạo hiểm, các loại hình tổ chức dịch vụ trong thị trường công nghệ. Hơn nữa, Nhà nước tạo ra chính sách đầu tư thông thoáng nhằm kêu gọi nhà đầu tư từ nước ngoài bằng việc cắt giảm các thủ tục đăng kí kinh doanh. Nhà nước cũng sẽ cung cấp hạ tầng cơ sở, không gian làm việc chung cho các doanh nghiệp khởi nghiệp, phổ biến và kết nối thông tin cho các thành phần khác nhau của hệ sinh thái khởi nghiệp.

Nhà đầu tư sẽ là nơi cung cấp vốn cho các ý tưởng kinh doanh khả thi. Họ sẽ góp vốn vào các kế hoạch kinh doanh nếu thành công thì chia sẻ lợi nhuận, nếu thất bại thì chấp nhận rủi ro. Thông thường các nhà đầu tư là các tổ chức, cá nhân ngoài Nhà nước, nhưng để các nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn vào các dự án kinh doanh, Nhà nước nên đứng ra làm trước đề làm gương cho các tổ chức khác. Nếu Nhà nước không đứng ra đầu tư bảo lãnh sẽ gây tâm lí lo ngại cho các nhà đầu tư ngoài Nhà nước. Khi Nhà nước đứng ra bảo lãnh thành công, thì các nhà đầu tư khác sẽ mạnh dạn góp vốn vào dự án kinh doanh.

Một thành phần cũng rất quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp là nhà tư vấn. Các nhà tư vấn là các doanh nghiệp đã thành công, họ sẽ nhận được lợi nhuận nếu kinh doanh thành công, nhưng mục đích cao hơn là đóng góp vào sự phát triển kinh tế nước nhà. Nhà tư vấn là nơi đào tạo, huấn luyện và hỗ trợ các doanh nghiệp tương lai về bí quyết kinh doanh, quản trị và điều hành. Hơn nữa, các nhà tư vấn cũng đứng ra hỗ trợ các hoạt động tìm kiếm nhà đầu tư, tư vấn pháp lí, và các vấn đề liên quan đến sở hữu trí tuệ.

Trên thế giới các quốc gia có nền kinh tế phát triển đã xây dựng thành công hệ sinh thái khởi nghiệp. Tại Mỹ các nhà sáng lập ra các công ty như Microsoft, Google, Facebook,… đã khởi nghiệp nhưng không phải bằng số vốn khổng lồ tự có của mình mà với những ý tưởng sáng tạo và độc đáo và hơn hết là các ý tưởng này đã được phát triển trong một môi trường thích hợp đó là hệ sinh thái khởi nghiệp ở Thung lũng Silicon. Tại đây, các ý tưởng sáng tạo sẽ được đầu tư vốn và được hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm phục vụ xã hội và mang về lợi nhuận lớn cho những người sáng lập và nhà đầu tư.

Đất nước nhỏ bé Israel chỉ với khoảng 8 triệu dân nhưng lại có số lượng doanh nghiệp trên đầu người cao nhất thế giới. Với tỉ lệ số doanh nghiệp khởi nghiệp trên số người dân cao nhất: 1/2000 [7], đây là quốc gia khiến cả thế giới phải thán phục về phong trào khởi nghiệp. Phong trào khởi nghiệp ở Israel mạnh  mẽ đến nỗi nơi đây được ví như thung lũng Silicon giữa lòng Trung Đông. Nguyên nhân để quốc gia này phát triển tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ như vậy là do có môi trường sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện. Ở Israel, sản phẩm có thể được công khai ngay từ khi ý tưởng về sản phẩm được hình thành, những người phát hiện ra ý tưởng thì tập trung phát triển sản phẩm, vấn đề tiền đầu tư thì sẽ có nhà đầu tư, hoặc chính phủ đứng ra hỗ trợ. Điều đó chính là do môi trường thực sự tạo điều kiện khởi nghiệp của hệ sinh thái khởi nghiệp [8].

Tại Hàn Quốc, chính phủ đã xây dựng thung lũng khởi nghiệp Pangyo nhằm ươm mầm và hiện thực hóa những ý tưởng khởi nghiệp cho doanh nhân nước này. Chính phủ Hàn Quốc đang biến thung lũng Pangyo trở thành thung lũng Silicon tại Châu Á và là nơi kết nối các doanh nghiệp Hàn với thị trường thế giới và giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia tiên phong trong việc tạo dựng môi trường khởi nghiệp [9].

Ở Việt Nam để những người trẻ mạnh dạn khởi nghiệp không thể thiếu môi trường ươm mầm các hạt giống ý tưởng kinh doanh. Hệ sinh thái khởi nghiệp không chỉ giúp các ý tưởng kinh doanh sáng tạo thành hiện thực mà còn giúp nâng cao năng lực sản xuất, sức mạnh cạnh tranh của các doanh nghiệp trẻ trên thị trường cạnh tranh toàn cầu. Việc kêu gọi người trẻ vấn thân vào con đường khởi nghiệp bằng truyền thông, hoặc khuyến kích tinh thần khởi nghiệp nhưng thiếu một môi trường khởi nghiệp hoàn thiện thực chất nó chỉ làm giấy lên phong trào khởi nghiệp trong thời gian ngắn rồi lụi tàn. Để nền kinh tế quốc gia phát triển rất cần một hệ sinh thái khởi nghiệp hoàn thiện làm đòn bẩy cho các doanh nghiệp tương lai.

Tài liệu tham khảo

[1] http://vov.vn/kinh-te/den-nam-2020-se-co-5000-doanh-nghiep-khoa-hoc-cong-nghe-453563.vov

[2] http://www.stcc.edu.vn/index.php?detail/8/34/116/&Chuong-trinh-dao-tao-trung-cap-Ke%CC%81-toa%CC%81n-doanh-nghie%CC%A3p

[3]http://www.most.gov.vn/Desktop.aspx/Chi-tiet-bai-viet/Tin-tong- hop/Viet_Nam_co_tro_thanh_Quoc_gia_khoi_nghiep/

[4] Alan Phan.,2012. Đi tìm niềm tin thời Internet. Nhà xuất bản Thái Hà, 2012.

[5] http://khampha.vn/khoa-hoc-cong-nghe/2016-se-la-nam-ban-le-ve-khoi-nghiep-khcn-c7a387930.html

[6] Nguyễn Thị Thu Trang., 2012. Những vấn đề về thị trường và marketing trong khởi sự doanh nghiệp. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Cục phát triển Doanh nghiệp.

[7] http://itrade.gov.il/vietnam/2016/03/08/4-li-do-dua-israel-tro-thanh-quoc-gia-khoi-nghiep/

[8] http://khoinghiep.hoclamgiau.vn/tin-tuc/616/Su-doc-dao-cua-he-sinh-thai-khoi-nghiep-Israel

[9] http://www.baomoi.com/han-quoc-khai-truong-thung-lung-khoi-nghiep-tai-seoul/c/18958347.epi